Trước tình hình diễn biến phức tạp của vi rút Corona mới thì chế độ dinh dưỡng cùng lối sống lành mạnh đóng một vai trò không nhỏ trong phòng và điều trị. Giải pháp nâng cao miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể sẽ giúp phòng và điều trị bệnh nCoV hiệu quả hơn.
Chế độ dinh dưỡng thời dịch vi rút Corona
Không có một thức ăn nào là hoàn hảo và có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết theo nhu cầu cơ thể, vì vậy cần đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm từ 15-20 loại thực phẩm và thay đổi thường xuyên trong bữa ăn hàng ngày. Khẩu phần ăn hàng ngày nên có sự phối hợp ở tỷ lệ cân đối giữa nguồn chất đạm động vật và thực vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản… đậu, đỗ…).
Ngoài ra, nên ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật ở tỷ lệ cân đối trong khẩu phần ăn. Tăng cường ăn vừng lạc, đậu đỗ, rau xanh và hoa quả chín. Ăn đủ nhu cầu, cần phân chia hợp lý các bữa ăn trong ngày (tùy theo lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, mức độ lao động.
Chế độ ăn đảm bảo đủ các nhóm thực phẩm
Lương thực: Gạo, đặc biệt là gạo lứt không bị xay sát kỹ, vẫn còn lớp cám gạo bên ngoài hạt gạo, có chứa hàm lượng dinh dưỡng cao hơn (các vitamin nhóm B nhất là vitamin B1, chất xơ). Năng lượng từ ngũ cốc chỉ nên chiếm 55-67 % (tổng năng lượng khẩu phần, phần còn lại do các chất béo cung cấp chiếm 20-25% và phần còn lại 13-20% là từ chất đạm.
Chất đạm: Cần ăn phối hợp cả thực phẩm giàu đạm động vật từ các loài gia súc, gia cầm, hải sản và đạm thực vật từ các loại đậu, đỗ… Nên ăn thức ăn giàu đạm với tỉ lệ cân đối giữa nguồn đạm động vật và thực vật, tăng cường ăn đậu phụ và cá. Các loại thịt đỏ (như thịt lợn, thịt bò …) có nhiều sắt giúp phòng chống thiếu máu thiếu sắt, đặc biệt quan trọng đối với trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và phụ nữ tuổi sinh đẻ.
Đặc biệt, nên ăn thịt ở mức vừa phải (không quá 100g/ngày/người trưởng thành, trung bình 1,5kg thịt/tháng). Các loại thịt đỏ không sử dụng quá 10% năng lượng, ưu tiên thịt gia cầm. Khuyến khích ăn cá, đậu phụ: ít nhất ba bữa cá/tuần, trung bình 2,5kg cá/tháng và 2-3kg đậu phụ/tháng.
Chất béo: Cần đảm bảo một tỉ lệ cân đối giữa nguồn chất béo động vật (mỡ lợn, mỡ gà,…) và chất béo thực vật (dầu, đậu tương, vừng, lạc…) . Nên giữ trong khẩu phần hàng ngày ít nhất là 40% chất béo thực vật, chất béo động vật không nên vượt quá 60%, nên ăn phối hợp cả mỡ động vật và dầu thực vật, không nên thay thế hoàn toàn mỡ động vật bằng các chất béo thực vật. Mỗi người trưởng thành mỗi ngày trung bình nên ăn khoảng 25-30g dầu, mỡ tương đương 5-6 thìa cà phê dầu, mỡ.
Rau và quả chín: Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nên ăn từ 400 – 600 gam rau quả mỗi ngày, rau quả là nguồn cung cấp các vitamin – khoáng chất và chất xơ. Vitamin và chất khoáng rất cần thiết cho sức khoẻ con người, cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng nó có vai trò rất quan trọng. Nếu cơ thể thiếu vitamin và chất khoáng có thể dẫn tới một số bệnh và giảm sức đề kháng – miễn dịch của cơ thể dẫn đến dễ nhiễm virus, vi khuẩn gây bệnh.
Vitamin và khoáng chất giúp nâng cao sức đề kháng và miễn dịch phải kể đến các vitamin tan trong chất béo đó là: vitamin A và vitamin E, chất khoáng là sắt, kẽm,… Sử dụng các loại thực phẩm có kháng sinh tự nhiên như hành, tỏi, sả, lá mơ, húng,…Có thể dùng từ 2-3 nhánh tỏi sống trong bữa ăn hoặc dùng khi chế biến thức ăn.
Vai trò của một số vitamin và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng và miễn dịch
Vitamin A: Người ta còn gọi là “vitamin chống nhiễm khuẩn, virus” có vai trò rõ rệt cả với miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào. Tỷ lệ tử vong do nhiễm khuẩn ở trẻ em mà nguyên nhân do thiếu vitamin A rất cao. Thiếu vitamin A liên quan chặt chẽ đến suy dinh dưỡng (tăng trưởng kém), tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng và tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Những nghiên cứu gần đây đã khẳng định rằng biện pháp bổ sung vitamin A có thể làm giảm 23% tử vong ở trẻ em.
Vai trò của vitamin A với đáp ứng miễn dịch được thể hiện ở vai trò của vitamin A với tính toàn vẹn của các biểu mô. Thiếu vitamin A các biểu mô quá sản, sừng hoá, các tuyến ngoại tiết giảm bài tiết, khả năng ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn giảm đi. Da và niêm mạc khô dẫn đến dễ nhiễm khuẩn. Đồng thời, nếu bôi mỡ có chứa vitanmin A vào các tổn thương ở da có tác dụng thúc đẩy quá trình nhanh liền sẹo. Vitamin A có nhiều trong gấc, rau ngót rau dền cơm, gan gà, gan lợn, gan bò,…
Vitamin E: Vitamin E làm tăng tính miễn dịch bằng cách bảo vệ tế bào khỏi bị tổ thương, do đó tăng sức đề kháng của cơ thể với các bệnh nhiễm khuẩn mạnh hơn, làm chậm tiến triển bệnh sa sút trí tuệ (Alzheimer), bảo vệ vitamin A và chất béo của màng tế bào khỏi bị o xy hóa, tham gia vào chuyển hóa tế bào. Vitamin E bảo vệ các chất béo trong não khỏi các gốc tự do, đặc biệt là các chất béo omega-3 DHA và EPA, trong đó tập trung ở tế bào thần kinh.
Khoa học phát triển cho thấy tocotpherols là chất bảo vệ tế bào thần kinh quan trọng, vì giúp chặn các tín hiệu viêm tiêu diệt tế bào não. Những người ăn nhiều loại thực phẩm từ tocopherols cho thấy giảm đáng kể việc suy giảm nhận thức và bệnh Alzheimer. Bên cạnh việc bảo vệ tế bào thần kinh, vitamin E cũng có liên quan đến phòng chống bệnh ung thư và bảo vệ tim mạch.
Vitamin E có nhiều trong các thực phẩm nguồn gốc tự nhiên: Đậu tương, giá đỗ, vừng lạc, mầm lúa mạch, dầu hướng dương, dầu ô-liu và các loại rau có lá màu xanh đậm.
Vitamin C: Vai trò tăng cường miễn dịch, chúng hỗ trợ sản xuất interferon – là loại protein do tế bào cơ thể tạo ra để chống lại tác nhân gây bệnh, là thành phần đạm quan trọng của hệ miễn dịch. Cần thiết cho các tế bào miễn dịch và bạch cầu. Từ đó làm tăng chức năng của hệ miễn dịch. Vitamin C giúp hấp thu tốt chất sắt để tạo máu, hỗ trợ chuyển sắt từ huyết thanh vào ferritin để dự trữ ở gan và phóng thích sắt từ ferritin vào huyết thanh khi có nhu cầu. Giúp hấp thu tốt can xi bằng cách ngăn can xi chuyển thành dạng khó hòa tan. Chuyển acid folic từ dạng không hoạt động thành dạng hoạt động và giữ ổn định ở dạng hoạt động.
Ngoài ra vitamin C còn có tác dụng chống o xy hóa, phòng bệnh tim mạch và tạo collagen là thành phần chính của mô liên kết như sụn, xương, răng, cho sự bền vững của mao mạch và của da. Thiếu vitamin C, sự nhậy cảm với các bệnh nhiễm khuẩn tăng lên, người bị nhiễm khuẩn thì vitamin C trong máu thường giảm, thiếu vitamin C tính thấm mao mạch tăng, mạch dễ vỡ, da khô ráp. Nếu ăn đủ vitamin C, các glubulin miễn dịch IgA và IgM tăng, hoạt tính của bạch cầu tăng, kích thích chuyển dạng các lymphô bào và giúp tạo thành các bổ thể. Vitamin C giúp tăng hấp thu các chất khoáng vi lượng (sắt, kẽm…) là những vi chất dinh dưỡng cần thiết cho hoạt động trí não. Hơn 90% lượng vitamin C có trong khẩu phần ăn được cung cấp từ các loại trái cây và rau củ. Các thực phẩm giàu vitamin C: rau ngót, rau mùi tàu, rau dền, rau đay, rau mồng tời, hành hoa, …trong các loại quả như bưởi, đủ đủ, quýt, cam, chanh,…
Vitamin nhóm B: Trong các vitamin nhóm B, vai trò các folat và pyridoxin đáng chú ý hơn cả. Thiếu folat làm chậm sự tổng hợp của các tế bào tham gia vào các cơ chế miễn dịch. Tương tự như thiếu sắt, miễn dịch dịch thể ít bị ảnh hưởng hơn miễn dịch qua trung gian tế bào. Trên thực tế ở trẻ em nhất là phụ nữ có thai, thiếu folat thường đi kèm thiếu sắt là hai yếu tố gây thiếu máu dinh dưỡng. Thiếu pyridoxin (vitamin B6) làm chậm các chức năng miễn dịch, cả dịch thể và trung gian tế bào. Các vitamin nhóm B có nhiều trong cám gạo, ngũ cốc, các loại hạt đậu, mè, mầm lúa mì, tim, gan.
Vai trò của một số chất khoáng và miễn dịch
Rất nhiều chất khoáng và vi khoáng tham gia vào miễn dịch, trong đó vai trò của sắt, kẽm được nghiên cứu nhiều hơn cả.
Sắt: cần thiết cho tổng hợp AND, nghĩa là nó cần thiết cho quá trình phân bào. Ngoài ra sắt còn tham gia vào nhiều enzym can thiệp vào quá trình phân giải bên trong tế bào. Thiếu sắt, nhiễm khuẩn tăng. Thiếu sắt thường kèm theo thiếu protein – năng lượng, do vậy khi bổ sung sắt cho trẻ em suy dinh dưỡng cần chú ý sau khi đã phục hồi dinh dưỡng từ 5 đến 7 ngày, nếu không sắt tự do sẽ là yếu tố thuận lợi cho phát triển các vi khuẩn. Sắt gây ảnh hưởng đến miễn dịch qua trung gian tế bào hơn là miễn dịch dịch thể. Do đó tiêm chủng để chống các bệnh nhiễm khuẩn vẫn có tác dụng ở những trẻ em bị thiếu sắt vừa phải. Ở nơi có bệnh sốt rét, việc bổ sung sắt cần đi kèm với uống thuốc phòng sốt rét. Sắt có nhiều trong mộc nhĩ, nấm hương, rau dền đỏ, đậu tương, tiết bò, bầu dục lợn, lòng đỏ trứng vịt, cua đồng,..
Kẽm: Kẽm có vai trò sinh học rất quan trọng là tác động chọn lọc lên quá trình tổng hợp, phân giải acid nucleic và protein. Kẽm giúp tăng cường miễn dịch, giúp làm vết thương mau lành và giúp duy trì vị giác và khướu giác. Kẽm tham gia vào hàng trăm enzym chuyển hóa trong cơ thể, vì vậy khi thiếu kẽm trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa do giảm sức đề kháng. Ngoài ra khi thiếu kẽm trẻ thường có biểu hiện biếng ăn chậm lớn, chậm phát triển chiều cao. Các thức ăn giàu kẽm như thịt, cá, tôm, sò, sữa, trứng, ngao, hàu,..
Khi lựa chọn thực phẩm và chế biến thức ăn: thực phẩm lựa chọn phải tươi sống, không ăn những loại gia cầm và gia súc bị chết do nhiễm bệnh. Không ăn khi thực phẩm còn sống: ăn tái, ăn gỏi, tiết canh, trứng ốp la, trứng lòng đào,..Cần ăn chín, uống sôi (nước sôi để ngội nếu trời nóng, nước ấm khi trời lạnh). Thực hiện 10 lời khuyên vàng trong chế biến thực phẩm, đặc biệt là vệ sinh dao thớt và rửa tay bằng xà phòng trước, trong, sau khi chế biến thực phẩm. Các thức ăn cần nấu chín kỹ, chế biến dạng lỏng, hay mềm, dễ tiêu hóa và theo sở thích của từng người.
Uống nước thường xuyên, đủ theo nhu cầu từ 2,0-2,5 lít nước/người. Nên dùng thêm nước chanh, nước cam, nước sả, nước gừng…tùy theo cơ thể mỗi người. Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý. Thường xuyên vệ sinh đường hô hấp trên thông thoáng, sạch sẽ bằng nước súc miệng, hoặc nước muối sinh lý. Không nên tới chỗ đông người khi không cần thiết, đặc biệt những điểm du lịch, lễ hội vì dễ tiếp súc nguồn nguồn lây nhiễm. Khi hắt hơi, sổ mũi, kho cần che miệng hoặc dùng khăn giấy sau đó vứt vào nơi quy định, đồng thời rửa và làm khô tay. Thường xuyên đeo khẩu trang đúng kỹ thuật khi ra ngoài, đến chỗ đông người, tiếp xúc với người khác. Nhà của gọn gàng, thoáng mát, sạch sẽ, đặc biệt có ánh nắng chiếu vào.
Tóm lại, vitamin và khoáng chất trong bữa ăn hàng ngày có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao sức đề kháng của cơ thể, giảm nguy cơ mắc bệnh virus Corona, bệnh nhiễm trùng và giảm tỷ lệ tử vong. Ngoài ra nên bổ sung các dạng siro, hay dạng cốm đa vitamin- khoáng chất khác cho trẻ em, hay viên đa vitamin – khoáng chất cho người lớn để nâng cao sức đề kháng và miễn dịch cho cơ thể, vì các sản phẩm này có chứa các thành phần như vitamin A, E, C, sắt, kẽm, selen…
Ths.Bs Nguyễn Văn Tiến
Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng
Rèn luyện thể chất tác động đến hệ miễn dịch
Mỗi người có một sức đề kháng và giới hạn tập luyện khác nhau. Một chế độ tập luyện quá sức với người này lại có thể chỉ bình thường đối với người khác. Do vậy, mỗi người chúng ta cần phải tìm ra được chế độ tập luyện thể dục thể thao vừa sức và phù hợp nhất với mình để tăng cường sức khỏe và hệ miễn dịch một cách tối ưu.
Giúp tăng cường hệ miễn dịch
Các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng từ 60 – 90% những người thường xuyên tham gia các hoạt động thể chất chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư ít bị cảm lạnh hơn so với những người không rèn luyện thể chất – theo kết quả khảo sát của Hội đồng quản lý Sức khỏe, Thể dục Thể thao và Dinh dưỡng Hoa Kỳ (PCFSN) công bố vào tháng 6/2001.
Tiến sĩ Mark Jenkins – một thành viên tham gia cuộc nghiên cứu đến từ Đại học Rice – khẳng định rằng một chế độ luyện tập thể dục thể thao điều độ chính là một cách thức hiệu quả để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, và điều này “đặc biệt thể hiện rõ ràng hơn ở người lớn tuổi. Rèn luyện thể chất điều độ có tác dụng giúp hạn chế quá trình suy giảm hệ miễn dịch do sự lão hóa gây ra”.
Đã có nhiều nghiên cứu khẳng định việc tập luyện thể dục thể thao mang lại lợi ích cho cả cơ thể và bộ não, gia tăng hiệu quả hoạt động của hệ miễn dịch và giúp chúng ta phòng chống bệnh ung thư. Công trình nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học đến từ Trung tâm Y Tế của Đại học Nebraska và Viện Điều trị Ung thư thuộc Đại học Northern Colorado vào năm 2012 đã phát hiện ra một hiện tượng thú vị ở những bệnh nhân đã điều trị ung thư thành công. Trong quá trình điều trị, nhóm bệnh nhân này được yêu cầu tham gia một lớp học thể dục đều đặn kéo dài suốt 12 tuần. Các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng trong cơ thể của những bệnh nhân này chứa một lượng lớn tế bào T – một loại tế bào đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch của cơ thể – giúp họ có sức đề kháng bệnh tật tốt hơn những người khác sau khi hoàn tất chương trình học thể dục.
Tiến sĩ y khoa Laura Bilek – một thành viên của nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Nebraska – nhận định kết quả nghiên cứu như sau: “Thông qua các hoạt động rèn luyện thể chất, chúng ta có thể loại bỏ những tế bào T không còn có ích cho cơ thể và tạo không gian cho những tế bào T thực sự có tác dụng bổ trợ hệ miễn dịch”. Quả thực, nếu các hoạt động thể dục thể thao có khả năng tăng cường hệ miễn dịch và có tiềm năng trong việc giúp con người tầm soát bệnh ung thư hiệu quả hơn, “chúng ta có thêm một lý do chính đáng và thiết thực để thuyết phục người dân tham gia các hoạt động rèn luyện thể chất nhiều hơn nữa, thậm chí xem chúng như một trong những ưu tiên hàng đầu của cuộc sống” – tiến sĩ Bilek nhấn mạnh.
“Luyện tập vừa đủ – đừng quá sức!”
Tuy nhiên, PCFSN cũng cảnh báo rằng chúng ta không nên thực hiện các hoạt động thể dục thể thao cường độ cao liên tục vượt quá 90 phút trong mỗi lần tập. Về lâu dài, việc tập luyện quá sức và không khoa học có thể dẫn đến những sự thay đổi bất ổn trong các tế bào thuộc hệ miễn dịch, chẳng hạn như thay đổi về mặt số lượng hoặc chức năng của bạch cầu, kháng thể, và những chất sinh hóa như cytokine.
Theo nghiên cứu của tiến sĩ Mark Jenkins, trong vòng từ 3 – 72 giờ sau một lần luyện tập quá sức, cơ thể chúng ta rơi vào một trạng thái giống như “một ngôi nhà với toàn bộ cửa sổ mở toang, khiến cho virút và vi khuẩn dễ dàng thâm nhập, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm lâm sàng và cận lâm sàng, đặc biệt là những bệnh liên quan đến đường hô hấp trên”, Jenkins diễn giải.
Lối sống lành mạnh – chìa khóa nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ miễn dịch
Các hoạt động rèn luyện thể chất quả thực giúp chúng ta tăng cường hệ miễn dịch và có sức khỏe tốt hơn – nếu chúng ta luyện tập với tần suất và cường độ vừa đủ và phù hợp với cơ thể của mình. Để làm được điều này, tiến sĩ Jenkins khuyên chúng ta cần theo dõi quá trình luyện tập của mình, đảm bảo rằng cơ thể của mình không phải hoạt động hoặc kéo giãn quá sức chịu đựng thông thường. Hãy ghi nhận cảm giác của cơ thể sau mỗi lần tập luyện: “Bạn cảm thấy thư thái hơn sau khi tập luyện, hay các bài tập đang khiến bạn mệt mỏi và căng thẳng hơn bình thường?”. Hãy điều chỉnh lại chế độ hoặc chương trình tập luyện của mình nếu bạn không cảm thấy thư giãn hoặc thoải mái giữa các lần tập. Bên cạnh một chế độ tập luyện linh hoạt, Jenkins đề xuất chúng ta ghi chú nhịp tim của mình vào mỗi buổi sáng. Nếu nhịp tim có dấu hiệu tăng dần mỗi ngày, nhiều khả năng cơ thể bạn đang vận động quá sức.
Theo các chuyên gia thuộc Khoa Y Đại học Harvard, thói quen rèn luyện thể chất là một bộ phận quan trọng cấu thành lối sống lành mạnh – chìa khóa thực sự giúp chúng ta tăng cường hệ miễn dịch cũng như khả năng đề kháng bệnh tật của cơ thể. Cụ thể hơn, bên cạnh việc rèn luyện thể chất, chúng ta cần phải:
– Không hút thuốc.
– Thực hiện một chế độ ăn khoa học, đủ chất và ít dầu mỡ.
– Duy trì cân nặng và vóc dáng cân đối.
– Không lạm dụng đồ uống có cồn: nếu công việc của bạn đòi hỏi bạn phải thường xuyên tham gia các buổi tiệc tùng có rượu hay bia, hãy uống chừng mực và có kiểm soát.
– Ngủ đủ giấc.
– Khám sức khỏe định kỳ và tầm soát bệnh tật.
– Thực hành những nếp sinh hoạt tốt giúp phòng tránh các bệnh truyền nhiễm, chẳng hạn như thường xuyên rửa tay trước và sau khi ăn, ăn chín uống sôi…
ThS. Phan Nguyễn Khánh Đan
Nguồn: dangcongsan.vn , suckhoedoisong.vn
(http://dangcongsan.vn/khoa-giao/che-do-dinh-duong-thoi-dich-vi-rut-corona-548092.html
https://suckhoedoisong.vn/ren-luyen-the-chat-tac-dong-den-he-mien-dich-n133412.html)
Để lại một bình luận